Tác giả:



VĂN QUANG

Việt Nam




















































Nhà thơ Thái Thủy



Vào khoảng 7 giờ sáng này 12 tháng 4-2011, tôi được điện thoại của chú em ở Santa Ana báo tin Thái Thủy đang hấp hối trong bệnh viện. Nhà Thái Thủy ở ngay bên nhà chú em tôi và thường xuyên qua lại nên người biết tin đầu tiên chắc là gia đình chú em tôi. Lập tức tôi gọi qua điện thoại di động của chú em đang đứng bên giường bệnh để chuyển lời thăm hỏi của tôi đến Thái Thủy. Bên giường anh lúc đó đã có anh Vũ Quang Ninh (Tổng giám đốc hệ thống Little Saigon Radio), anh Phạm Bá Cát (nguyên giám đốc đài PT Sài Gòn). Lúc đó anh còn gật nhẹ ra vẻ hiểu nhũng gì tôi nói. Sau đó tôi gọi ngay cho Nguyễn Đình Toàn cũng ở ngay Santa Ana. Chỉ nói hai câu, N.Đ.Toàn hấp tấp chạy ngay vào bệnh viện. Sau đó là báo tin cho anh Phan Lạc Phúc (tức ký giả Lô Răng) ở Úc. Không gặp được anh Phúc, tôi đành phải nhờ anh Vi Túy của tuần báo Văn Nghệ chuyển tin giùm. Cùng lúc tôi báo tin cho nhiều bạn bè ở Virginia, Seattle. Té ra cái tin ở Mỹ mà người ở VN được hân hạnh báo tin cho người ở Mỹ sớm nhất để hy vọng bạn bè có thể nói với nhau vài lời cuối chăng. Nhưng một giờ sau, khi nữ ca sĩ Bạch Quyên gọi đến thì anh đã hôn mê.

Trước khi anh mất 3 hôm, từ Sài Gòn tôi điện thoại sang thăm anh. Anh nói đang làm thuốc nên tôi ngưng. Vài tiếng sau, anh gọi lại, vẫn nói chuyện tỉnh táo qua hơi thở có phần mệt nhọc. Anh hỏi thăm tôi về tình hình kinh tế, có phải tiết kiệm không, cổ họng còn sưng không, mắt thế nào. Nét đặc biệt nhất của Thái Thủy là tuy nằm một chỗ nhưng anh biết rất nhiều chuyện. Mới vài hôm trước, anh kể chuyện vanh vách, tinh tường và thẳng thắn. Nay thì anh đã về với mẹ như trong bài thơ anh hằng mơ ước nhưng chưa rọn vẹn.

Dòng chảy ngầm
Trong số những sáng tác về “Người Mẹ” ở VN trước 1975, có lẽ bài thơ “Lá thư gửi mẹ”của Thái Thủy do nhạc sĩ Nguyễn Hiền phổ nhạc (vào khoảng năm 1955 sau khi đăng trên nhật báo Tự Do) được biết đến đầu tiên và nổi trội hơn cả. Các đài phat thanh (PT) các sân khấu ca nhạc thường có bài hát này. Sau đó là ca khúc “Lòng Mẹ” của Y Vân cũng được rất nhiều khán giả yêu thích. Do đó có nhiều người lẫn lộn giữa hai tác giả của hai bài ca này. Nhưng sau năm 1975, ở Việt Nam, bài của Y Vân họa hoằn được “nhắc đến” trên các đài PT và Truyền Hình, nhưng bài của Ng Hiền và Thái Thủy thì không. Lý do dễ hiểu là trong bài thơ của Thái Thủy có vài câu “phạm húy” như: “Mẹ ơi! thôi đừng khóc nữa. Cho lòng già nặng sầu thương. Con đi say tình viễn xứ. Đâu có quên tình cố hương. Thương ngóng về quê cũ. Gót thù xéo thảm thê. Bầy trai thầm rơi lệ. Súng gươm hẹn mai về...”.

Tuy nhiên, ở nước ngoài, các chương trình nhạc, đâu đó vẫn vẳng lên bài “Lá Thư Gửi Mẹ”. Cụ thể như trong chương trình đặc biệt với chủ đề về Mẹ của Trung Tâm Thúy Nga cũng chọn bài này và không chỉ phổ biến ở Mỹ, mà ngay ở VN. Tất nhiên là ở VN thì hầu hết là loại băng đĩa “ngoài luồng” hay nói rõ hơn là băng đĩa sang lậu, bán rất rẻ, giá chừng 7 ngàn Đồng VN, chợ nào cũng có. Hiện tượng này, mấy chục năm qua vẫn tồn tại cho đến nay, gia đình VN hầu như rất nhiều nhà có, chẳng vài chục cuốn băng video cũng vài ba cuốn. Điều đó chứng tỏ rằng người VN vẫn thích nghe “nhạc vàng”. Vì thế nên những bài, những video ca nhạc, trong đó có những bài như “Lá Thư Gửi Mẹ” chỉ nằm trong “dòng chảy ngầm” của xã hội.

Dường như trên mặt sáng tác, độc giả chỉ chú ý nhiều đến bài thơ phổ nhạc nổi tiếng này. Trên “làn sóng điện” của Đài PT Sài Gòn, thính giả lại biết đến Thái Thủy nhiều hơn qua chương trình thơ văn Tao Đàn do thi sĩ Đinh Hùng làm trưởng ban, cùng phụ trách có Thanh Nam, Tô Kiều Ngân, Huy Quang. Hầu như tất cả những gia đình trung lưu ở Miền Nam VN vào thời đó, mỗi buổi tối đều nghe chương trình và những tên tuổi này. Đó là hai lãnh vực được nhiều người biết đến Thái Thủy.

Người đứng phía sau các hoạt động văn học nghệ thuật
Thật ra số phận đã đẩy đưa Thái Thủy bước vào “làng phát thanh” rất sớm. Từ năm 17 tuổi anh đã tham gia chương trình phát thanh của Thành Phố Hải Phòng. Sau đó vào nam năm 1954, Thái Thủy lại cộng tác với chương trình “Tiếng nói của Hội Ðồng Nhân Dân Cách Mạng,” ủng hộ Thủ Tương Ngô Đình Diệm lên làm Tổng Thống VNCH. Sau đó là những chương trình phát thanh khác của Đài Phát Thanh Quốc Gia. Thời nào anh cũng là một nhân viên then chốt của Phòng Văn Nghệ. Anh cũng là xương ngôn viên trực tiếp có giọng nói trầm ấm, khoan thai, rõ ràng, không bao giờ nhầm lẫn. Anh làm thơ từ rất sớm, thường thấy trên vài tạp chí, ít xuất hiện trên những tuần báo được gọi là “ăn khách”. Đã có thời gian anh làm Tổng Thư Ký cho tạp chí Hiện Đại do anh Nguyên Sa làm chủ nhiệm. Chẳng bao lâu sau báo đóng cửa vì thời cuộc.

Thái Thủy không xuất bản thơ, không đứng ở phía trước những hoạt động Văn Học Nghệ Thuật sôi nổi của Miền Nam VN thời ấy. Anh đứng bên cạnh hay phía sau toàn bộ khung cảnh đó. Có lẽ vì thế nên thi sĩ Du Tử Lê nhận định Thái Thủy là nhận vật “behind the scene”. Theo tôi, đó là một nhận định chính xác.

Cuộc sống đầy gian truân
Tôi quen biết Thái Thủy ngay từ những năm 1957 khi anh thuê nhà ở chung với Thanh Nam và Hoàng Thư. Từ căn nhà ở đường Phan Văn Trị đến căn nhà sau rạp Quốc Thanh, cuối cùng thời gian lâu dài nhất là căn phòng trên lầu 3 building Cửu Long trên đường Hai Bà Trưng. Nói cho đúng, hồi đầu Thái Thủy là bạn của chú em tôi từ thời còn là hai câu học trò ở Hải Phòng vào năm 1953. Cả hai cùng lứa tuổi, anh sinh ngày 25-12 năm 1937 tại Hà Nam, tên thật là Phạm Thái Thủy. Chú em tôi sinh năm 1936.

Vào Nam rồi tôi mới là bạn Thái Thủy. Khi tôi làm ở Phòng Báo Chí Nha Chiến Tranh Tâm Lý thì Thái Thủy làm ở Đài Phát Thanh Sài Gòn. Anh “nhỏ thó”, thư sinh, nhiều lắm là 38kg. Chắc chắn không có một quân đội nào dám nhận anh vào lính. Anh tâm sự, ba mất đã lâu, chỉ còn lại bà mẹ già ở lại Hà Nội. Anh sống ở Sài Gòn gần như đơn côi. Hầu hết cuộc đời độc thân của anh sống với 2 người bạn như tôi đã nói ở trên. Ba chàng “ngự lâm văn nghệ” ở trong căn phòng nhỏ xíu trên Building Cửu Long, chỉ có độc 1 chiếc giường nhỏ, chiều ngang không quá 1m, chiều dài không quá 2m. Cứ luân phiên, một anh nằm trên giường thì hai anh nằm dưới sàn gạch bông cũng không quá 2m2. Nhà văn Thanh Nam, nhà thơ Thái Thủy, “ngâm sĩ” Hoàng Thư cơm hàng cháo chợ thường xuyên, liên tục. Họ sống với nhau rất tương đắc cho đến khi lần lượt tuyên bố “tao lấy vợ”, dọn ra ở riêng.

Thái Thủy kết hôn với con gái anh Mặc Thu. Ông bố vợ Mặc Thu có mấy người con gái đều đặt tên là Lan: Mặc Lan, Thu Lan, Nhược Lan. Thái Thủy chọn cô ở giữa rất xinh, có lẽ khi mới 17 tuổi. Thái Thủy và Thu Lan sinh được 4 cháu. 2 cô con gái đã được anh bảo lảnh qua Mỹ, nhưng một cháu lại xin về Sài Gòn và hiện ở lại đây với 2 người anh em khác.

Nỗi đau không nói được
Cũng như nhiều văn nghệ sĩ Miền Nam Nam sau ngày 30-4, Thái Thủy đi “học tập cải tạo” ở trại tù Gia Trung. Một trại tù khét tiếng gian khổ. Ít năm sau, anh chuyển về trại tù Hàm Tân cùng những văn nghệ sĩ khác như Mặc Thu, Doãn Quốc Sĩ, Trần Dạ Từ, Trịnh Viết Thành... Tôi lại gặp Thái Thủy ở trại này. Trông anh thê thảm lắm. Quần áo tù vá chằng vá đụp, cặp kính cận mất gọng, buộc bằng hai sợi dây đen ngòm. Anh tâm sự lẻ với tôi “đói lắm”. Ngày ngày căng sức đi “lao động”, tối về nằm ép rệp thương nhớ vợ con. Ở tù 10 năm, đến khi anh được lệnh “ra trại” tức là tha tù, anh vẫn chưa hề biết rằng người vợ của anh đã ôm cầm thuyền khác. Qua những “nguồn tin thăm nuôi”, nhiều bạn anh đã biết từ lâu, nhưng chẳng ai dám nói ra. Tôi cũng vậy, lúc đó tôi vẫn còn nằm kỹ trong trại, khi từ giã anh, tôi băn khoăn mãi chẳng biết có nên cho anh biết tin hay không. Cuối cùng tôi cũng không đủ can đảm nói lên điều này. Thôi thì để anh vui được lúc nào hay lúc ấy. Tuy nhiên tôi cũng an ủi anh một câu lửng lơ con cá vàng: “Mày nên thông cảm với vợ mày”. Có lẽ thấy vẻ mặt thẫn thờ của anh, tôi lại phải bồi thêm: “Không đi thăm mày được vì đời sống khó khăn”. Thái Thủy cúi đầu bước ra khỏi cánh cửa trại giam. Tôi chỉ còn biết nhìn theo. Tôi nói điều này không hề có ý trách móc ai hết, đó là chuyện gần như “thường tình” trong trại tù. Nhất là với những anh tù “mút mùa Lệ Thủy”, không bao giờ biết ngày ra. Tôi cũng vây thôi, có khác gì đâu. Cũng không biết gì cho đến trước 1 ngày tôi được phỏng vấn đi theo diện H.O. Tôi cho rằng đợi chờ vô vọng trong vài ba năm đã là khó. Thế nên phải thông cảm cho các bà khi còn rất trẻ, còn những ngày tháng vật lộn với cơn bão trước mặt, phải bảo vệ cho cuộc sống của những đứa con, đôi khi vì nhà cửa bị tịch thu, tay trắng, buộc phải bước sang thuyền khác. Tôi hoàn toàn thông cảm sâu sắc, không trách cứ ai. Tôi cúi đầu kính phục những “hòn vọng phu” vẫn còn chung thủy sau cơn địa chấn này.

Sau khi về được vài tháng, Thái Thủy ngồi sau xe gắn máy của anh bạn Phan Đắc Tài từ Sài Gòn bò lên “trại cải tạo” thăm tôi. Anh vui vẻ chấp nhận số phận. Nhưng trớ trêu thay, khi tôi ra tù vào năm 1987, Thái Thủy vẫn phải sống chung ở nhà vợ. Trong cái cảnh “người nằm trong, kẻ nằm ngoài” đó thật đau lòng, song chẳng làm thế nào khác được vì hộ khẩu không có, tiền cũng không, chẳng có chỗ nào làm đất dung thân. Tâm sự ấy có lẽ chẳng bao giờ anh nói với ai. Chúng tôi thường đạp cái xe đạp cũ, đi cùng nhau trên những con đường Sài Gòn thân quen nay đã đổi chủ. Nỗi buồn, niềm đau không có chỗ nào thoát ngoài ánh mắt nhìn nhau khi cùng ăn một bữa cơm đầu hè.

Rất may, chỉ một năm sau, anh dạy học và quen được với một phụ nữ hiền lành, chân thật. Hai người gắn bó được một thời gian, đúng bữa cơm trưa ngày anh cưới vợ, năm 1990, trên đường Công Quỳnh, anh lại bị bắt vì dính vào vụ bác sĩ Nguyễn Đan Quế cùng Vương Đức Lệ. Thế là lại vào tù thêm 5 năm nữa. Lần nay anh được “thăm nuôi” đầy đủ hơn bởi bàn tay người đàn bà đã mang lại hạnh phúc cho cuộc đời anh. Sự may mắn tưởng như không bao giờ có. Hết hạn tù lần thứ hai, anh lại may mắn được đi theo diện H.O. vào năm 1998 định cư tại Hoa Kỳ. Đây là một ngoại lệ của phái đoàn Mỹ. Cuộc sống ở Cali của anh lại cũng không xuông xẻ. Anh chị gặp tai nạn xe hơi, anh bị thương đến lòi ruột, may mà anh còn sống. Vài năm sau anh yếu dần. Chúng tôi đều thầm hiểu rằng anh chẳng còn sống với chúng tôi được bao lâu.

Bây giờ anh đã thật sự ra đi. Một mất mát lớn lao cho bạn bè, cho “những người muôn năm cũ” còn lại với thời gian. Chẳng ai tránh được sinh lão bện tử.



Văn Quang viết từ Sài Gòn

Đêm 14-4-2011














Free Web Template Provided by A Free Web Template.com